Home » Hướng Dẫn » Sâu Bệnh Hại Cây Sầu Riêng – Bài 3

Sâu Bệnh Hại Cây Sầu Riêng – Bài 3

sau-rieng-banner
5/5 - (46 bình chọn)

Muốn trồng được sầu riêng năng suất bạn phải là người có khả năng giải quyết được các vấn đề sau đây. Đó là việc xử lý được các loại sâu, các loại bệnh thường xuất hiện nhiều trên cây sầu riêng như vàng lá thối rễ, nứt thân xì mũ, thán thư, thối hoa, thối trái, đốm lá, cháy lá,…

Để có thể xử lý tất cả các loại bệnh này bạn cần phải nhận biết đúng bệnh. Cần xác định đúng nguyên nhân rồi mới đưa ra giải pháp. Bạn có thể tham khảo các giải pháp theo thứ tự sau đây:

Các bệnh về sâu hại, nấm

Như chúng ta đã biết, các loại sâu bệnh, nấm gây hại rất nhiều cho cây trồng, chứ không riêng gì cây sầu riêng. Nhà vườn cần nhận biết sớm và có phương pháp chữa chị kịp thời, tránh để tình trạng sâu bệnh lan rộng, khó kiểm soát dẫn đến mất mát nhiều.

Bệnh vàng lá thối rễ

sau-benh-hai-sau-rieng-1

Triệu chứng của bệnh vàng lá thối rễ trên cây sầu riêng

Nguyên nhân: Bệnh vàng lá thối rễ trên cây sầu riêng do nấm Phytophthora và Fusarium gây ra. Nếu thấy lở cổ rễ với nấm trên cây nhiều thì đa phần là Phytopthora. Còn nếu chỉ thối rễ thì đa phần là Fusarium.

Cây sầu riêng nếu sống trong đất trồng quá ẩm ướt, độ ẩm cao sẽ rất dễ nhiễm bệnh này. Nấm tấn công toàn bộ bộ rễ của cây sầu riêng khiến cây thiếu hụt dinh dưỡng. Cây thiếu dinh dưỡng dẫn đến việc cành bị héo úa, lá chuyển vàng và rụng, sau đó cây kiệt sức dần mà chết.

Giải pháp: Sử dụng nhiều hữu cơ. Bổ sung nấm đối kháng, nấm men, humic để xử lý bệnh và cải tạo đất. Kết hợp bổ sung thêm amino acid giúp cây phục hồi nhanh. Sau khi xử lý bệnh cần phải thường xuyên thăm kiểm tra vườn trồng, cắt tỉa tạo tán hợp lý. Giữ cho vườn trồng khô thoáng, thoát nước tốt vào mùa mưa để phòng bệnh.

Bệnh xì mủ (Canker)

Phương thức lan truyền nguồn bệnh thối gốc xì mủ trên cây sầu riêng: Nấm Phytophthora sp. thường lưu tồn trong đất, có khả năng thích ứng và tồn tại trong điều kiện bất lợi. Sợi nấm và bào tử còn lưu tồn trong các vết bệnh trên thân, trên cành, trên lá, trái bị bệnh và các xác lá thực vật, từ đây nấm dễ dàng phát tán khi gặp điều kiện thuận lợi. Khi gặp điều kiện thuận lợi như gió to, mưa nhiều nấm sẽ lây lan, phát triển mạnh. Vườn bị ngập úng nước càng lâu thì áp lực bệnh càng lớn.

Để phòng trị bệnh thối gốc xì mủ trên cầy sầu riêng cần đảm bảo một số điều kiện sau:

1. Chọn đất trồng có khả năng thoát nước tốt trong mùa mưa; tạo rãnh thoát nước không để nước ứ đọng lâu ngày ở gốc cây sầu riêng.

2. Trồng cây với mật độ vừa phải giúp vườn thông thoáng, có ánh nắng xuyên vào, giảm áp lực nguồn bệnh.

3. Bón phân NPK cân đối, sử dụng phân chuồng hoai mục và chế phẩm sinh học có chứa vi sinh vật có ích như nấm đối kháng Trichoderma để bón cho cây. Không bón phân hóa học trực tiếp lên rễ cây dễ gây ngộ độc phân.

4. Thường xuyên thăm vườn, vệ sinh vườn thu gom tàn dư cây bị bệnh đem tiêu hủy; cắt tỉa các cành nhánh gần mặt đất, vệ sinh làm cỏ vùng gốc thông thoáng.

5. Trước khi vào mùa mưa rắc vôi bột khử trùng bề mặt vườn, rãnh thoát nước với lượng 1 tấn/ha; tủ gốc trong mùa khô để giữ ẩm cho cây.

6. Hàng năm tiến hành quét vôi nước hoặc bôi dung dịch Bordeaux 1% quanh gốc vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, độ cao 0,7 – 1,0m tính từ mặt đất để hạn chế nấm Phytophthora sp. lây nhiễm từ đất lên cây.

sau-benh-hai-sau-rieng-2

7. Đối với những cây có vết bệnh còn nhỏ thâm đen và chảy gôm trên thân, cành dùng dao sắc bén cạo bỏ phần mô chết, bôi dung dịch thuốc có hoạt chất như Metalaxyl, Mancozeb, Fosetyl-aluminium, thuốc gốc đồng… lên mặt cắt và xung quanh. Nồng độ thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Tiến hành cạo và bôi thuốc trong thời gian khô ráo.

8. Trong những đợt mưa kéo dài, ẩm độ cao là điều kiện lý tưởng đê bệnh thối gốc xì mủ trên cây sầu riêng phát triển mạnh nên có thể xử lý thuốc BVTV phòng bệnh lần 2 sau lần 1 từ 5 – 7 ngày.

9. Đối với với những vườn bị bệnh trung bình – nặng cần hạn chế tưới nước, bón phân hóa học, phân bón lá và các loại chất kích thích ra hoa đậu quả thay vào đó là bón phân hữu cơ để giúp cây tăng cường sức đề kháng. Ngoài việc xử lý vết bệnh trên thân và cành như trên cần sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Fosetyl-aluminium, Cymoxanil, Propamocarb.HCL, Dimethomorph, Mancozeb, Metalaxyl, Propineb, thuốc có hoạt chất gốc đồng… để phun xử lý nguồn nấm bệnh trên lá. Liều lượng dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Sâu đục thân

sau-benh-hai-sau-rieng-4

(Sâu đục thân)

Nguyên nhân: Sâu đục thân là ấu trùng sâu non của bọ cánh cứng Xén tóc. Những con Xén tóc trưởng thành thường đẻ trứng vào các kẽ của thân cây. Khi trứng nở, những con ấu trùng có thể men theo những đường này tấn công vào thân hoặc cành cây để cắn phá.

Giải pháp: Sâu non cắn phá ngầm bên trong thân cây tạo thành các đường hầm, chúng  cũng không thải phân ra ngoài qua các lỗ đục nên rất khó phát hiện và tiêu diệt tận gốc. Do đó cần thường xuyên thăm kiểm tra vườn để phát hiện sớm những cành hay sâu đục thân tấn công. Khi phát hiện sâu cắn phá thân cành, dùng dây kẽm để soi lỗ đục, sau đó dùng bông nhúng vào thuốc trừ sâu rồi gắn vào đầu dây kẽm rồi nhét vào lỗ đục. Tiếp đến dùng đất sét hoặc vật liệu nhét bịt lỗ đục để giết chết sâu non ở trong thân cây.

Vì Xén tóc trưởng thành thích ánh đèn nên có thể dùng bẫy đèn để bắt chúng. Đa dạng hóa cây trồng trong vườn, tránh độc canh để hạn chế sâu hại tập trung vào cây trồng chính. Bảo vệ và phát triển các loài thiên địch của sâu hại.

Rệp sáp

sau-benh-hai-sau-rieng-6

(Rệp sáp trên trái sầu riêng)

Nguyên nhân: Rệp sáp thường xuất hiện và gây hại trên hoa và trái sầu riêng non cũng như trái lớn. Chúng phát triển mạnh vào mùa khô, khi trong vườn không có thiên địch, thiếu thông thoáng, không có cây trồng xua đuổi rệp.

Giải pháp: Cắt tỉa, vệ sinh vườn thông thoáng để dễ phát hiện khi có rệp tấn công. Khi phát hiện có nhiều rệp tấn công dùng nấm xanh nấm trắng kết hợp với nano đồng phun xịt đều lên các cành có rệp để diệt chúng. Hạn chế sử dụng các loại thuốc bvtv hóa học để phát triển và bảo vệ các loài thiên địch của rệp trong vườn như bọ rùa, ong ký sinh. Trồng xen canh các loại cây trồng xua đuổi rệp và thu hút thiên địch, hạn chế sự tấn công của chúng lên cây trồng chính. Bón phân cân đối, giữ ẩm chon vườn vào mùa khô.

Bệnh thán thư:

sau-benh-hai-sau-rieng-5

(Bệnh thán thư hại sầu riêng)

Do nấm Collectotrichium sp, làm hại lá. Triệu chứng thể hiện rõ rệt là chóp lá bị cháy khô dần vào trong.

Ngoài ra, còn một số nấm như Rhizoctonia, Fusarium, Pythium gây bệnh ở gốc cây con. Triệu chứng thể hiện là thối gốc, thối thân dẫn đến héo chồi ngọn và chết.

Không trị kịp thời lá sẽ vàng và rụng nhanh. Cây bị nặng, lá rụng trơ cành và chết.

Bệnh đốm lá:

sau-benh-hai-sau-rieng-7

Bệnh đốm lá sầu riêng

Nguyên nhân do nhiễm vi rút. Triệu chứng thể hiện từ khi lá còn non, lá có nhiều đốm lấm tấm vàng nhạc và có thể bị xoăn lại.

Bệnh không trị được, nên định kỳ xịt thuốc diệt nhóm bọ chích, bị hút là nguyên nhân gây lan truyền bệnh cho cây. Có thể cắt bỏ bớt cành bệnh để giảm sự lây lan.

Các bệnh về dinh dưỡng

Trong đất trồng cây khi thiếu một số chất hay tỷ lệ các chất hữu dụng không cân đối sẽ làm cho cây tăng trưởng kém làm biến đổi hình thái rất rõ. Cần kịp thời cải thiện nếu không sẽ dẫn đến hậu quả xấu cho vườn cây.

Sự mất cân đối: 

Vùng đất phèn có độ phì khá cao nghĩa là đạm trong đất không thiếu nhưng cây sầu riêng vẫn không tăng trưởng. Bón nhiều đạm cây vẫn không tác dụng, có khi cho kết quả ngược lại. Nếu bón thêm vôi và sau đó bón lân thì cây tươi tốt. Tình trạng này là do đất bị thiếu lân, tỷ lệ giữa đạm và lân không cân đối, dù đạm trong đất khá cao nhưng rễ cây vẫn không hút được. Chỉ bón đạm khi trong đất bị thiếu.

Sự thiếu đạm:

Vùng đất đồi, đất sét bạc màu, vùng đất cát … hàm lượng đạm trong đất rất ít. Tốc độ sinh trưởng của cây rất chậm. Biểu hiện cây thiếu đạm có màu lục nhạt. Bón đạm thường xuyên sẽ cho kết quả tốt. Dùng đạm nước cá ủ, phân ruốc ủ, phân dơi ủ với phân đạm định kỳ tưới cho cây rất hữu hiệu.

Sự thiếu lân:

Thiếu phân lân cây bị yếu ớt, lá nhỏ đi và có màu vàng lục tối. Bộ rễ chậm phát triển nên không hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng trong đất. Đất có độ pH thấp cần bón nhiều lân. Nếu sau 7 – 8 năm mà đất có độ pH lớn hơn 6 thì giảm tỷ lệ phân lân mỗi lần bón. Vì giai đoạn này đất đã cố định nhiều lân và ít bị rửa trôi. Bổ sung phân cho đất có thể bằng các loại phân lân thông dụng bán trên thị trường hoặc phân xương của gia súc, gia cầm. …

Sự thiếu Kali:

Vùng đất xám, đất đỏ ở miền Đông hàm lượng Kali trong đất thấp. Nếu không bổ sung Kali cho đất lâu ngày, cây sầu riêng sẽ bị đói Kali. Triệu chứng thể hiện lá bị cháy ở rìa, cây chậm lớn.

Biện pháp khắc phục : Dùng phân Clorua Kali (KCl) hay Sunphat Kali (K2SO4) hay Nitrat Kali (KNO3) nồng độ 50 – 80g/10 lít nước để xịt hay tưới cho cây 10 ngày 1 lần. Khi cây trưởng thành không nên bón Clorua Kali vì sẽ làm giảm phẩm chất của trái.

Tình trạng thiếu Magnesium (Mg):

Triệu chứng thể hiện cây bị còi cọc, yếu ớt, lá không có diệp lục tố. Cây con làm gốc ghép ở tình trạng này nên loại bỏ. Nếu cây đã trồng khá lớn thì nên sử dụng Magnesium Sunphat (MgSO4) để xịt hoặc tưới hay nồng độ 0,2 – 0,4%, mười ngày xịt một lần để điều chỉnh sự thiếu Magnesium.

Ngoài ra, nhu cầu của cây về các chất khoáng vi lượng như Coban (Co), Mangan (Mn), Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Đồng (Cu) … có thể sử dụng các chế phẩm khoáng vi lượng bán trên thị trường để bổ sung cho cây.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

About Nguyễn Hùng

Hùng là một người con của Pleiku – Gia Lai. Sinh ra và lớn lên từ vùng đất cao nguyên, Hùng đã gắn bó với cây sầu riêng từ nhỏ. Với niềm đam mê dành cho sầu riêng, Hùng lập ra Blog này, mong muốn mọi người yêu thích sầu riêng trên khắp Việt Nam, có cơ hội được thưởng thức những quả sầu riêng tươi ngon và an toàn đến từ vùng đất bazan màu mỡ nơi đây!

Bạn đang ở đâu? Hùng FREE Ship Sầu Riêng đến nhé!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top