Home » Hướng Dẫn » Trồng Cây Sầu Riêng Đúng Kỹ Thuật

Trồng Cây Sầu Riêng Đúng Kỹ Thuật

sau-rieng-banner
5/5 - (96 bình chọn)

Trong 10 năm trở lại đây, sầu riêng là một trong những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và được mệnh danh là “cây tiền tỷ”, bởi lẻ chỉ với 1 ha sầu riêng, người nông dân đã có thể thu lãi từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng nếu chăm sóc đúng cách.

Cây sầu riêng trồng được ở  Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ. Tuy nhiên do điều kiện địa chất và khí hậu khác nhau nên ở mỗi vùng cần có những lưu ý riêng để đạt được hiệu quả kinh tế cao. Bài viết này mình giới thiệu với các bạn kỹ thuật trồng sầu riêng ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ

Yêu cầu sinh thái

Nhiệt độ, độ ẩm không khí

Cây sầu riêng có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 24 – 30­­­­­­­ oC, độ ẩm không khí vào khoảng 75-80%. Khi cây ra hoa cần có nhiệt độ không khí từ 20-22 oC, ẩm độ 50-60%

Lượng mưa

Cây sầu riêng có thể trồng được ở nơi có lượng mưa từ 1.600-4.000 mm/năm , nhưng tốt nhất vào khoảng 2.000 mm/năm. Cần chủ động được nguồn nước tưới trong những tháng mùa khô.

Cao độ

Kỹ thuật trồng sầu riêng không đòi hỏi khắc khe về cao độ. Tại Thái Lan trồng sầu riêng ở cao độ 30-300m so với mặt nước biển, tại Malaysia trồng sầu riêng ở cao độ 800m so với mặt nước biển, ở Việt Nam vùng Di Linh, Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng có cao độ vào khoảng 1.000m so với mặt nước biển cây sầu riêng vẫn phát triển tốt. Tuy nhiên, thời gian ra hoa ở vùng cao sau vùng đồng bằng từ 1 đến 2 tháng. Vì vậy, người dân ở vùng đồng bằng Tây Nam Bộ có thể tận dụng ưu thế này làm trái sớm để bán được giá cao.

Đất trồng, nước tưới

Tây Nguyên và Đông Nam Bộ chủ yếu là đất nâu đỏ, nâu vàng trên nền bazan và đất xám trên nền phù sa cổ cũng khá phù hợp để trồng sầu riêng. Với đặc điểm là đất có độ thấm hút và thoát nước tốt cộng với địa hình đồi núi dốc khiến cho nguy cơ bị ngập úng hay nhiễm mặn là không có.

Tuy nhiên nơi đây lại phải đối mặt với khó khăn là đảm bảo nước tưới trong mùa khô. Sầu riêng là cây ưa ẩm nên nếu không tưới đủ nước sẽ không thể phát triển tốt được. Người trồng nên chọn vị trí gần nguồn nước hoặc đào giếng để chủ động nước tưới, bên cạnh đó cần lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước và bơm bù áp (nếu cần) để đảm bảo cung cấp đầy đủ nước cho các cây ở vị trí cao.

Thiết kế vườn

Trồng cây chắn gió

Cây sầu riêng thuộc họ gòn, nên thân mềm dễ gãy đỗ. Vì vậy. nếu các bạn trồng ngoài đất trống cần chọn các loại cây khác có chiều cao hợp lý, gỗ chắc, khó ngã đổ để trồng quanh vườn làm cây chắn gió.

Khoảng cách trồng

Sầu riêng là cây lâu năm, tán rộng vì vậy khoảng cách trồng phù hợp ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là 10-12 m/cây, tương đương mật độ 120 cây/ha để cây tiếp xúc đầy đủ với ánh sáng sẽ phát triển tốt và cho năng suất cao. Với ưu thế diện tích đất canh tác/đầu người cao (mỗi hộ trung bình có thể có từ vài mẫu đến vài chục mẫu) rất thuận lợi cho việc sản xuất hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu vì vậy cần chọn giống phù hợp với mục đích sản xuất.

trong-sau-rieng-dung-ky-thuat-2

Trồng mật độ 10-12m/cây

Bố trí giống

Hiện nay trên thị trường có nhiều giống sầu riêng, tuy nhiên để đạt hiệu quả cao các bạn nên chọn những giống đã được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng như Ri6, Monthong  hay chuồng bò .Dặc biệt các giống mới nhiều tiềm năng cao hư Musang King D197, sầu riêng Black Thorn D200

Hoa sầu riêng có thể tự thụ phấn hoặc thụ phấn chéo, nhưng trái sầu riêng tự thụ phấn sẽ nhỏ và dễ bị méo mó hơn thụ phấn chéo. Vì vậy kỹ thuật trồng sầu riêng đòi hỏi cần trồng ít nhất 2 giống trong cùng một vườn xen kẻ lẫn nhau để tận dụng việc thụ phấn chéo. Cần dựa vào điều kiện sản xuất và mục đích kinh tế để lựa chọn giống phù hợp

trong-sau-rieng-dung-ky-thuat-4

Trồng ít nhất 2 giống/vườn

Kỹ thuật trồng

Thời vụ trồng

Cây sầu riêng có thể trồng được quanh năm, nhưng nên trồng vào đầu mùa mưa để giảm bớt chi phí chăm sóc.

Chuẩn bị đất trồng và cách trồng

Kỹ thuật trồng sầu riêng yêu cầu hố trồng có kích thước 0.6 x 0.6 x 0.6 m, xử lý thuốc sát trùng và phơi đất từ 20-30 ngày trước khi xuống giống. Khi trồng cần bón lót 100-200g phân lân vào đáy mỗi hố, dùng 5-10 kg phân hữu cơ đã ủ oai với nấm trichoderma trộn với đất tốt để trồng cây.

Đặt cây con vào hố trồng, lắp đất ngang mặt bầu cây con, cắm cọc giúp cây khỏi đổ ngã, che bớt ánh sáng và tưới nước ngay sau khi trồng. Chú ý khi vận chuyển cây ra vườn trồng và khi tháo bỏ bao ni-lông phải thật cẩn thận để không làm tổn thương cây con, khi che nắng cho cây con không che quá 50% ánh nắng mặt trời (tốt nhất là che 30% nắng, ưu tiên che phía mặt trời lặn).

Sau khi trồng cây xong cần dùng rơm hoặc cỏ khô phủ kín một lớp dày 10-20cm để giữ ẩm cho đất, cách gốc cây 10-50 cm tùy cây lớn hay nhỏ để hạn chế nấm bệnh tấn công gốc cây.

trong-sau-rieng-dung-ky-thuat-1

Đào hố và trồng cây con

Bón lót:

Nếu có phân dơi, phân cá, phân hữu cơ hoai mục nên bón một ít vào hố, tùy khả năng mà bón ít nhiều. Trộn sơ cho phân lẫn vào đất. Loại phân có nhiều đạm hay hàm lượng muối trong phân cao thì phảI vùi sâu vào đất để rễ non không bị ngộ độc.

Rải một ít thuốc sát trùng như Basudin 10H, Furadan, BHC … để phòng trừ mối, kiến, tuyến trùng … làm hại rễ non. Liều lượng từ 20 – 50g tùy loại.

Trồng cây giống:

Thêm hoặc bớt đất ở hố sao cho đặt cây xuống mặt mô ngang bằng với phần trên của bầu.

Cho đất vào xung quanh bầu đến gần ngang mô trồng là được. Không cần vô đất quá mịn dễ làm đất bị lèn, do mưa nhiều hay tưới thừa nước.

Dùng cọc, que cắm gần gốc để cố định cho cây đứng thẳng. Dùng dây nilon, dây nhựa để cột, tránh dùng dây chuối khô, lạt dừa (ruột), … có tính giữ ẩm để phát sinh nấm bệnh hại cây.

Chăm sóc:

Cây con mới trồng chưa thích nghi với điều kiện tự nhiên nên ảnh hưởng đến quá trình dinh dưỡng, trao đổi chất, sức chống chịu rất kém, dễ bị tác động bởi các yếu tố bất lợi của ngoại cảnh như ánh sáng, nhiệt, gió, … nếu chăm sóc không tốt dễ bị tình trạng còi cọc, chậm lớn. Có vườn sau khi trồng một năm, cây vẫn còn bị chết, đó là do :

  • Hoặc nguồn cây giống không sạch bệnh, cành ghép, mắt ghép già cồi bị sâu bệnh.
  • Hoặc do chăm sóc không chu đáo, mùa nắng thiếu nước cây suy kiệt, mùa mưa bị úng rễ bị hư hại, sử dụng phân thuốc quá liều lượng.

Để nâng cao tỷ lệ sống và giúp cây trồng tăng trưởng được tốt, cần tuân thủ một số chế độ sau:

Chế độ đất và nước:

Đất xung quanh mô trồng phải được giữ ẩm vào mùa khô và mùa mưa phải ráo. Có thể quan sát độ ẩm của đất bằng cách bới sâu xuống khoảng 10 – 20cm, lấy ít đất lên vo thành viên được là tốt. Vo thành viên không được quá ẩm hoặc bời rời là thiếu nước.

Nên sử dụng nguồn nước sạch để tưới. Tránh tưới nước có độ phèn cao (độ pH quá thấp) hay nước có hàm lượng muối khoáng quá nhiều. Nguồn nước ao tù, nước bùn … dùng tưới phải tránh dính lên thân lá sẽ làm môi trường thuận lợi cho nấm địa y phát triển.

Trong những tuần lễ đầu, nếu thời tiết nóng bức hay quá nắng, nên tưới ướt thân và lá vài lần (lúc trưa và xế chiều) để tránh mất nước ở cây. Nếu trồng đại trà ở những vùng thiếu nước nên dùng bình xịt để tưới vừa nhanh, vừa tiết kiệm được nước. Trời mát mẻ hay có mưa không cần tưới.

Hạn chế tác động bất lợi của điều kiện tự nhiên:

Trồng xong nên dùng lá dừa, lá cây … để che nắng trưa đến xế (tia nắng thường gay gắt, nhiệt độ cao, tia tử ngoại có thể làm hại cây nhất là ở giai đoạn cây ra là non).

Vườn trống trải phải dùng cọc để cố định cây, để giông gió không làm gãy đổ trong vài tháng đầu sau khi trồng.

Có thể dùng rơm, rạ, cỏ khô, bả dừa, bả cây họ đậu, … đậy xung quanh mô để giữ ẩm vào mùa khô, hay chống xói mòn vào mùa mưa. Tránh đậy cận gốc, ẩm độ cao, nấm bệnh dễ phát triển làm hư hại gốc.

Tùy thực tế các yếu tố bất lợi xảy ra thế nào thì tìm cách khắc phục thích hợp.

Đốn tỉa tạo dáng:

Phải đốn tỉa các cành mọc không đúng hướng, các cành già, cành bị sâu bệnh để điều chỉnh tán cây cho đẹp, dáng cây sầu riêng giống như cây Noel mà người phương Tây, tín đồ công giáo rất thích. Vườn sầu riêng nếu được trồng cho ngay hàng thẳng lối, tạo dáng cho đẹp thì được xem như vườn cây cảnh hấp dẫn khách du lịch.

trong-sau-rieng-dung-ky-thuat-

Vườn sầu riêng nhìn rất đẹp mắt

  • Tỉa cành, tạo dáng giúp cho cây được thoáng, cành lá nhận được nhiều ánh sáng để quang hợp và hạn chế được sâu bệnh. Giúp cho cây khỏi phải nuôi những cành ăn hại, tốn hao chất dinh dưỡng mà không có lợi.
  • Loại những cành già nằm gần mặt đất nhằm ngăn ngừa bùn đất, phân bón bám vào cành lá tạo môi trường tốt cho vi sinh vật gây hại như các loại nấm, tảo làm hạn chế sự hấp thu, bài tiết và quang hợp ở các bộ phận đó.

Đốn tỉa bớt các cành cấp 1. Nên phân tầng, mỗi tầng có khoảng 3 – 4 cành cấp 1. Tầng nọ cách cành kia 40 – 70cm ( đối với những cây trưởng thành). Các cành cấp 2,3 nếu dầy đặc, phải tỉa bỏ bớt.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

About Nguyễn Hùng

Hùng là một người con của Pleiku – Gia Lai. Sinh ra và lớn lên từ vùng đất cao nguyên, Hùng đã gắn bó với cây sầu riêng từ nhỏ. Với niềm đam mê dành cho sầu riêng, Hùng lập ra Blog này, mong muốn mọi người yêu thích sầu riêng trên khắp Việt Nam, có cơ hội được thưởng thức những quả sầu riêng tươi ngon và an toàn đến từ vùng đất bazan màu mỡ nơi đây!

Bạn đang ở đâu? Hùng FREE Ship Sầu Riêng đến nhé!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top